Apple Privacy Control

Quyền kiểm soát
trong tay bạn.

Quyền riêng tư được tích hợp ngay từ ban đầu,
từ lúc bạn mở thiết bị mới của mình cho đến
từng thời điểm bạn sử dụng ứng dụng. Sau đây là
một số điều cần biết để tăng tính bảo mật hơn nữa.

Tìm hiểu về cài đặt và kiểm soát quyền riêng tư.

Ứng dụng Cài Đặt được thiết kế cẩn thận để giúp bạn kiểm soát dữ liệu của mình. Bạn có thể điều chỉnh thông tin nào được chia sẻ, chia sẻ ở đâu và được sao lưu lúc nào. Và kể từ iOS 14.5 và iPadOS 14.5, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn về cách các ứng dụng sử dụng dữ liệu cá nhân của bạn để theo dõi bạn.

Xem Một Ngày Trong Cuộc Đời Dữ Liệu Của Bạn (PDF)

Kiểm Tra An Toàn

Phần này trong Cài Đặt iOS giúp bạn ngắt kết nối iPhone khỏi những người, ứng dụng và thiết bị mà bạn không muốn kết nối nữa.

Tìm hiểu thêm về an toàn cá nhân với các thiết bị của Apple
Mới

Cảnh Báo Nội Dung Nhạy Cảm

Cảnh Báo Nội Dung Nhạy Cảm giúp bạn tránh nhìn thấy những hình ảnh và video không mong muốn có thể chứa hình khỏa thân bằng cách làm mờ chúng từ lúc đầu. Tính năng này hoạt động trong Tin Nhắn, với các tập tin AirDrop, trong tin nhắn video FaceTime, và trong ứng dụng Điện Thoại khi nhận Áp Phích Liên Hệ. Tính năng này là tùy chọn và bạn có thể bật trong cài đặt Quyền Riêng Tư & Bảo Mật. Tất cả quá trình xử lý hình ảnh và video diễn ra trên thiết bị của bạn, nghĩa là cả Apple và bất kỳ bên thứ ba nào đều không có quyền truy cập vào nội dung.

Nhãn Thành Phần Quyền Riêng Tư

Trang sản phẩm trên App Store có phần cung cấp bản tóm tắt tự báo cáo của nhà phát triển về việc thực hành quyền riêng tư của họ, trình bày dưới dạng nhãn đơn giản và dễ đọc. Nhãn này cho biết cách nhà phát triển thu thập và sử dụng dữ liệu của bạn, bao gồm cả các thông tin như vị trí, lịch sử duyệt web và danh bạ. Đây là một động thái trong nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của Apple nhằm tăng cường yếu tố minh bạch và đảm bảo quyền kiểm soát dữ liệu cho chính bạn, và Apple sẽ tiếp tục cập nhật tính năng này cũng như làm việc với các nhà phát triển để đảm bảo rằng người dùng được quyền đưa ra các lựa chọn sáng suốt dựa trên thông tin tỏ tường.

Tìm hiểu thêm về Nhãn Thành Phần Quyền Riêng Tư Xem cách các ứng dụng từ Apple xử lý dữ liệu của bạn

Tính Minh Bạch
Theo Dõi Ứng Dụng

Thiết bị của bạn lưu giữ câu chuyện về cuộc đời bạn. Chúng tôi tin rằng bạn phải được lựa chọn cách các ứng dụng theo dõi và chia sẻ dữ liệu của bạn với các công ty khác nhằm mục đích quảng cáo, hoặc với các nhà môi giới dữ liệu.

Bắt đầu từ iOS 14.5 và iPadOS 14.5, các ứng dụng phải xin phép khi muốn theo dõi bạn trên các ứng dụng và trang web thuộc sở hữu của các công ty khác. Bạn có thể thay đổi tùy chọn cho bất cứ ứng dụng nào hoặc chặn hoàn toàn việc ứng dụng xin phép trong phần Cài Đặt.

Báo Cáo Bảo Mật Ứng Dụng

Kiểm tra hoạt động của các ứng dụng bằng cách bật Báo Cáo Bảo Mật Ứng Dụng. Một mục trong phần Cài Đặt sẽ cho bạn thấy tần suất ứng dụng truy cập vị trí, hình ảnh, camera, micrô và danh bạ trong bảy ngày vừa qua. Mục này cũng cho thấy ứng dụng đã liên lạc với những tên miền nào. Cùng với Nhãn Thành Phần Quyền Riêng Tư, tính năng này sẽ giúp bạn có được thông tin đầy đủ hơn về cách xử lý quyền riêng tư của ứng dụng mình dùng.

Quyền Truy Cập

Bảng Dán

Các ứng dụng cần được bạn cho phép trước khi truy cập vào bảng dán để dán nội dung từ một ứng dụng khác.

Các Ứng Dụng
Của Bên Thứ Ba
Và Quyền Truy Cập

Apple cho bạn tính minh bạch và quyền kiểm soát dữ liệu mà bạn chia sẻ qua ứng dụng. Ứng dụng có thể xin phép truy cập các dữ liệu như vị trí, danh bạ, lịch và hình ảnh của bạn. Bạn sẽ nhận được lời nhắc kèm giải thích khi một ứng dụng của bên thứ ba lần đầu muốn dùng dữ liệu này, từ đó bạn có thể quyết định cho phép hay không sau khi đã hiểu. Ngay cả khi đã cho phép một lần, bạn luôn có thể thay đổi quyết định này trong phần Cài Đặt. iOS và iPadOS yêu cầu nhà phát triển xin phép bạn trước khi theo dõi bạn hoặc thiết bị của bạn trên các ứng dụng và trang web thuộc sở hữu của các công ty khác nhằm mục đích quảng cáo nhắm mục tiêu, đánh giá quảng cáo hoặc chia sẻ dữ liệu của bạn cho nhà môi giới dữ liệu.

Không ứng dụng nào có quyền truy cập micrô hay camera khi không được cho phép. Trên iOS 14 và iPadOS 14 trở lên, khi một ứng dụng truy cập micrô hoặc camera, thiết bị sẽ hiện chỉ báo để bạn biết, bất kể bạn đang dùng ứng dụng đó hay ứng dụng khác, hay đang ở Màn Hình Chính. Và Trung Tâm Điều Khiển sẽ cho bạn biết khi một ứng dụng đã truy cập micrô hoặc camera trong thời gian gần đây. Trên iOS và iPadOS, khả năng truy cập camera của ứng dụng sẽ bị vô hiệu khi đang hoạt động trong nền.

Đôi khi, các ứng dụng cần biết thiết bị nào khác đang kết nối trong mạng cục bộ, chẳng hạn như khi bạn đang thử kết nối với TV thông minh hay máy in. Bắt đầu từ iOS 14 và iPadOS 14, các ứng dụng cần phải xin phép bạn trước khi quét mạng cục bộ.

iOS và iPadOS cũng thông báo cho bạn khi một ứng dụng truy cập vào Bảng Nhớ Tạm, để bạn xác nhận rằng ứng dụng chỉ được truy cập vào các mục mà bạn muốn.

Thông Tin Dữ Liệu
Và Quyền Riêng Tư

Màn hình thông tin dữ liệu và quyền riêng tư giúp bạn dễ dàng hiểu được cách Apple sẽ sử dụng thông tin cá nhân của bạn trước khi đăng nhập hoặc bắt đầu sử dụng tính năng mới. Khi bạn thấy biểu tượng Dữ Liệu và Quyền Riêng Tư, bạn sẽ tìm được thông tin hữu ích về việc dữ liệu nào có thể được chia sẻ và cách dữ liệu đó sẽ được sử dụng để cải thiện trải nghiệm của bạn.

Dữ Liệu Vị Trí

Đôi khi, việc thiết bị biết được vị trí của bạn sẽ hữu ích, chẳng hạn như khi sắp xếp các cuộc họp trong Lịch hay tìm đường. Dịch Vụ Định Vị trên thiết bị sử dụng kết hợp GPS, Bluetooth và điểm truy cập Wi-Fi lấy nguồn từ cộng đồng và tháp di động để biết được bạn đang ở đâu. Apple cho bạn quyền kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí trên tất cả các thiết bị của mình. Bắt đầu từ iOS 14, iPadOS 14 và watchOS 7, bạn có thể lựa chọn cho phép ứng dụng truy cập vị trí gần đúng của mình - một khu vực khoảng 25 kilômét vuông - thay vì sử dụng vị trí chính xác. Dịch Vụ Định Vị không được bật theo mặc định. Bạn có thể bật tính năng này khi thiết lập thiết bị lần đầu tiên, và bạn luôn có thể tắt tính năng này khi bạn muốn.

Xem báo cáo công nghệ về Quyền Riêng Tư Của Dịch Vụ Định Vị (PDF)

Trang Dữ Liệu Và Quyền Riêng Tư

Để cho bạn nhiều quyền kiểm soát thông tin cá nhân hơn, chúng tôi cung cấp một bộ công cụ quản lý quyền riêng tư riêng biệt trên trang Dữ Liệu và Quyền Riêng Tư. Những công cụ này cho phép bạn nhận bản sao dữ liệu, yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu, hủy kích hoạt tài khoản hoặc xóa tài khoản.

Tìm hiểu thêm về khả năng kiểm soát dữ liệu của bạn Xem trang Dữ Liệu và Quyền Riêng Tư

Phân Tích

Nếu quyết định tham gia, thiết bị iOS và iPadOS của bạn có thể thu thập thông tin của thiết bị và bất kỳ Apple Watch nào được ghép đôi, và gửi thông tin đó đến Apple để phân tích. Những phân tích này giúp Apple cải thiện sản phẩm và giảm những vấn đề như ứng dụng gặp sự cố. Thông tin được thu thập không nêu rõ cá nhân và chỉ có thể được gửi đến Apple khi bạn cho phép rõ ràng. Thông tin phân tích có thể bao gồm chi tiết về thông số kỹ thuật phần cứng và hệ điều hành, số liệu thống kê về hiệu năng và dữ liệu về cách bạn sử dụng thiết bị và ứng dụng. Sau khi thu thập, dữ liệu cá nhân sẽ không được ghi lại, được xóa khỏi báo cáo trước khi gửi đến Apple hoặc được bảo vệ bởi những công nghệ như Quyền Riêng Tư Khác Biệt.

Thông tin được thu thập bằng Quyền Riêng Tư Khác Biệt sẽ giúp chúng tôi cải thiện dịch vụ mà không xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Ví dụ: công nghệ này cải thiện tính năng Gợi Ý Tra Cứu của Ghi Chú, Mức Sử Dụng Theo Loại của Sức Khỏe và Sự Cố Tên Miền của Safari.

Hiện nay, chúng tôi xác định được các loại dữ liệu thường được dùng trong ứng dụng Sức Khỏe và các tên miền web gây ra sự cố về hiệu suất trong Safari. Thông tin này sẽ hỗ trợ chúng tôi làm việc với nhà phát triển để cải thiện trải nghiệm của bạn, mà không tiết lộ bất cứ thông tin gì về hành vi cá nhân của bạn.

Nếu bạn cho phép chia sẻ Phân Tích iCloud, Apple có thể cải thiện các tính năng thông minh trên thiết bị bằng cách phân tích cách bạn dùng dữ liệu iCloud từ tài khoản, chẳng hạn như đoạn trích văn bản từ tin nhắn email. Phân tích chỉ được tiến hành sau khi dữ liệu trải qua các công nghệ tăng cường quyền riêng tư như Quyền Riêng Tư Khác Biệt, để dữ liệu không còn liên kết với bạn hoặc tài khoản của bạn.

Quảng Cáo

Apple cam kết cung cấp quảng cáo theo cách tôn trọng quyền riêng tư của bạn. Các quảng cáo do Apple cung cấp có thể xuất hiện trên App Store và ứng dụng Chứng Khoán. Nền tảng quảng cáo của Apple sẽ không theo dõi bạn, cũng không mua hay chia sẻ thông tin cá nhân của bạn với các công ty khác. Nền tảng quảng cáo của Apple không sử dụng dữ liệu của các giao dịch Apple Pay, dữ liệu của ứng dụng Sức Khỏe và dữ liệu của ứng dụng HomeKit để cung cấp quảng cáo. Lịch sử tìm kiếm và tải về trên App Store có thể được sử dụng để cung cấp quảng cáo phù hợp với bạn. Trong ứng dụng Chứng Khoán, quảng cáo được cung cấp dựa trên một phần nội dung bạn đọc hoặc theo dõi. Nội dung này bao gồm các chủ đề và những tin tức mà bạn đã đọc, và các ấn bản mà bạn theo dõi, đăng ký hoặc bật thông báo. Các tin tức mà bạn đã đọc sẽ không được sử dụng để cung cấp các quảng cáo nhắm đối tượng bên ngoài các ứng dụng này. Bạn có thể xem những thông tin mà Apple sử dụng để cung cấp quảng cáo có liên quan đến bạn trong phần Cài Đặt. Bạn cũng có thể tắt Quảng Cáo Được Cá Nhân Hóa bất cứ lúc nào trong phần Cài Đặt, để ngưng nhận các quảng cáo nhắm đối tượng trên App Store và ứng dụng Chứng Khoán. Tắt Quảng Cáo Được Cá Nhân Hóa sẽ giới hạn khả năng của Apple trong việc cung cấp quảng cáo có liên quan đến bạn, nhưng có thể sẽ không giảm số lượng quảng cáo mà bạn nhận được. Nền tảng quảng cáo của Apple không cung cấp quảng cáo cho trẻ em dưới 13 tuổi và các ID Apple Được Quản Lý. Thêm vào đó, Apple có hướng dẫn nghiêm ngặt cho các ứng dụng trong danh mục Trẻ Em trên App Store, bao gồm cả việc cấm các ứng dụng trong danh mục này tích hợp phân tích hoặc quảng cáo của bên thứ ba.

Bảo mật
các thiết bị của bạn.

Ngăn không cho bất kỳ ai, ngoài bạn, được sử dụng thiết bị và truy cập thông tin của bạn.

Chế Độ Phong Tỏa

Chế Độ Phong Tỏa giúp chống lại phần mềm gián điệp nhắm mục tiêu bằng cách cung cấp sự bảo vệ tùy chọn cho một nhóm người dùng cụ thể có nguy cơ bị tấn công kỹ thuật số tinh vi, ví dụ như nhân viên của các công ty tư nhân đang phát triển các phần mềm gián điệp thuê được nhà nước tài trợ. Chế Độ Phong Tỏa trong iOS 16 trở lên, iPadOS 16 trở lên, macOS Ventura trở lên, và Apple Watch tăng cường khả năng bảo vệ thiết bị và giới hạn một số chức năng nhất định, làm giảm mạnh hiệu quả của các hành vi tấn công bằng phần mềm gián điệp này.

Mật Mã Sáu Chữ Số

Thiết lập mật mã là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo mật thiết bị. Trên thiết bị đã bật Touch ID hoặc Face ID, mật mã được thiết lập tự động bao gồm sáu chữ số, tạo nên hàng triệu tổ hợp khả thi. Bạn cũng có thể bật Xóa Dữ Liệu trong phần Cài Đặt để thiết bị tự động xóa sạch dữ liệu sau 10 lần thử sai.

Tìm hiểu thêm về bảo vệ thiết bị bằng mật mã

Touch ID Và Face ID

Touch ID và Face ID cung cấp phương thức xác thực trực quan và an toàn với thao tác chạm ngón tay hoặc một ánh nhìn đơn giản. Vân tay hoặc dữ liệu khuôn mặt của bạn được chuyển đổi sang dạng số học, sau đó được mã hóa và chỉ được Secure Enclave trong máy Mac, iPad hoặc iPhone sử dụng. Vì dữ liệu vân tay và khuôn mặt là thông tin rất cá nhân, nên thiết bị sẽ dùng những biện pháp đặc biệt để bảo vệ. Hệ điều hành trên thiết bị hay bất cứ ứng dụng nào đang hoạt động trên thiết bị đều không thể truy cập dữ liệu này. Và dữ liệu không bao giờ được lưu trữ trên máy chủ của Apple hoặc được sao lưu lên iCloud hay bất cứ đâu.

Tìm hiểu thêm về Nền Tảng

Bảo Mật Apple

Tìm

Bật tính năng Tìm của iPhone, iPad và Mac giúp bạn giữ kết nối với thiết bị của mình, ngay cả khi thiết bị thất lạc hay mất cắp. Tính năng Tìm được xây dựng cùng tiêu chí bảo vệ quyền riêng tư của bạn. Tính năng sẽ tự động bật khi bạn đăng nhập vào iCloud trên một thiết bị mới. Bạn có thể thấy thiết bị trên bản đồ và những nơi thiết bị đã đi qua, để tăng cơ hội tìm lại thiết bị. Nếu không thể lấy lại thiết bị, bạn có thể xóa từ xa dữ liệu cá nhân trên thiết bị. Apple chỉ ghi nhận thông tin vị trí này khi bạn định vị thiết bị, bật Chế Độ Mất hoặc bật tính năng Gửi Vị Trí Sau Cùng. Dữ liệu vị trí chỉ được giữ trong 24 giờ để chúng tôi có thể hiển thị vị trí sau cùng của thiết bị. Tính năng Tìm cũng sẽ tự động bật Khóa Kích Hoạt, yêu cầu nhập ID Apple trước khi bất cứ ai có thể xóa hoặc kích hoạt lại thiết bị.

Mạng lưới Tìm tận dụng hàng trăm triệu thiết bị Apple với công nghệ Bluetooth. Mạng lưới sẽ giúp bạn phát hiện thiết bị hoặc đồ vật bị mất ở gần các thiết bị Apple khác và báo cáo lại vị trí tương đối cho bạn. Quá trình này được mã hóa dữ liệu đầu cuối, nhờ đó vị trí và thông tin của thiết bị thất lạc vẫn được bảo vệ khỏi Apple và các nhà sản xuất bên thứ ba.

Xác Thực Hai Yếu Tố

Xác thực hai yếu tố là cách tốt nhất để bảo vệ thông tin, vì tính năng này sẽ thêm một lớp bảo mật cho ID Apple của bạn. Tính năng được thiết kế để đảm bảo ngay cả người biết mật khẩu của bạn cũng sẽ không thể truy cập vào tài khoản được. Khi đăng nhập trên một thiết bị mới hoặc từ trang web, một mã xác minh sẽ tự động xuất hiện trên tất cả các thiết bị được tin cậy của bạn. Hãy nhập mã này cùng với mật khẩu của bạn để đăng nhập. Bất cứ ai không thể cung cấp cả mã xác minh và mật khẩu sẽ không thể đăng nhập được. Một khi đã đăng nhập, bạn sẽ không phải nhập mã xác minh trên thiết bị đó nữa, trừ khi bạn đăng xuất hoàn toàn, xóa thiết bị hoặc cần phải thay đổi mật khẩu vì lý do bảo mật.

Tìm hiểu cách thiết lập xác thực
hai yếu tố

Cảnh Báo AirTag

iPhone sẽ thông báo khi phát hiện một AirTag không thuộc về bạn nhưng đang đi cùng bạn. Sau khi đã phát hiện, bạn có thể làm theo hướng dẫn để vô hiệu hóa chúng. Để bảo vệ bạn khỏi bị theo dõi, một AirTag bị tách rời khỏi chủ sở hữu sau một khoảng thời gian dài sẽ phát âm thanh để tạo sự chú ý đến phụ kiện này.

Tìm hiểu thêm về AirTag và cảnh báo

Thêm

nhiều cách bảo mật

dữ liệu của bạn.

Hãy cẩn thận với những nỗ lực lừa đảo để lấy thông tin cá nhân của bạn.

Chú ý đến
các thông báo.

Khi bạn đăng nhập lần đầu trên một thiết bị mới, cập nhật phương thức thanh toán, đổi mật khẩu hoặc thực hiện các thay đổi khác đối với tài khoản, Apple sẽ thông báo cho bạn bằng email hoặc thông báo push. Vì vậy, nếu bạn nhận được thông báo từ chúng tôi về một thay đổi mà bạn không nhớ là mình đã thực hiện, rất có thể ai đó đã truy cập trái phép tài khoản của bạn. Nếu trường hợp đó xảy ra, hãy vào phần “Quản lý ID Apple” để đổi mật khẩu ngay. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm, hãy liên hệ bộ phận Hỗ Trợ của Apple để được trợ giúp.

Đổi mật khẩu ID Apple Liên hệ bộ phận Hỗ Trợ ID Apple

Cẩn thận với nạn lừa đảo đánh cắp dữ liệu cá nhân.

“Lừa đảo” là những nỗ lực gian lận nhằm lấy thông tin cá nhân từ bạn, chẳng hạn như mật khẩu ID Apple hoặc thông tin thẻ tín dụng, thường là qua email hoặc tin nhắn. Yêu cầu trông có vẻ đến từ một cá nhân hoặc công ty hợp pháp, nhưng thật ra không phải vậy. Bật xác thực hai yếu tố là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi âm mưu lừa đảo nhằm lừa bạn tiết lộ thông tin đăng nhập của ID Apple. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã xác minh hoặc bất cứ thông tin tài khoản nào khác qua email hoặc tin nhắn. Nếu bạn nhận được email có khả năng là lừa đảo mạo danh Apple, hãy gửi email đó đến reportphishing@apple.com.

Tìm hiểu thêm về việc bảo vệ bản thân khỏi nạn lừa đảo

Những giá trị của chúng tôi giúp mở đường dẫn lối.